Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea), một dạng rối loạn giấc ngủ khiến quá trình thở bị gián đoạn tạm thời một vài lần trong khi ngủ. Tình trạng này thường xảy ra ở những người tăng cân khi họ mang thai. Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể liên quan đến nhiều biến chứng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai cũng có thể gặp vấn đề khác liên quan đến giấc ngủ như cảm thấy buồn ngủ ủ rũ vào ban ngày.
Nếu bạn đang mang thai và nhận thấy mình bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, bạn nên nhanh chóng tìm đến bác sĩ để được tư vấn cụ thể, tuy nhiên trước tiên, bạn có thể tìm hiểu kỹ thêm về các rối loạn giấc ngủ đối với phụ nữ mang thai thông qua bài viết này.
Thiếu ngủ có thể liên quan đến sự chuyển dạ và sinh nở kém. Một nghiên cứu ở trường Đại học California gần đây đã nhận thấy rằng phụ nữ ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm có khả năng sẽ trải qua cơn đau đẻ dài hơn và khả năng phải sinh mổ gấp 4,5 lần. Vì thế, phụ nữ mang thai nên quan tâm nhiều hơn đến giấc ngủ hàng ngày của bản thân và cho đứa con đang mang trong mình.
Bên dưới là một số vấn đề về giấc ngủ có thể xảy ra đối với phụ nữ đang mang thai:
- Mất ngủ (insomnia): triệu chứng của hội chứng mất ngủ bao gồm khó chuyển từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ, buổi sáng thức dậy quá sớm hoặc thức dậy một cách mệt mỏi. Mất ngủ có thể do căng thẳng, lo lắng thái quá về việc chuyển dạ hoặc mất cân bằng giữa công việc và việc làm mẹ. Những phản ứng của cơ thể khi mang thai như buồn nôn, đau lưng và sự vận động của thai nhi cũng có thể khiến bạn mất ngủ.
- Hội chứng RLS (Restless legs syndrome): các triệu chứng của RLS bao gồm cảm giác khó chịu ở chân/tay và buộc bạn phải cử động chân/tay, do phải cử động thường xuyên nên bạn khó ngủ hoặc thức giấc nửa đêm.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ (Sleep apnea): ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, trong đó quá trình thở bị nhiều lần gián đoạn trong khi đang ngủ. Một đặc điểm đáng chú của chứng ngưng thở khi ngủ là ngủ ngáy nặng trong một khoảng thời gian dài trong đêm, sau đó thở gấp hoặc nghẹt thở trong khi ngủ khiến bạn thức giấc.
- Rối loạn dạ dày – thực quản khi ngủ (nighttime GERD): hội chứng này còn được gọi là ợ nóng, được coi là một phản ứng bình thường khi mang thai, tuy nhiên, nếu các triệu chứng diễn ra một cách thường xuyên khiến bạn mất ngủ, bạn cần gặp trực tiếp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
- Đi tiểu thường xuyên vào ban đêm: đây là đặc điểm chung gặp nhiều ở những người phụ nữ đang mang thai và khiến bạn mất ngủ
Điều trị các vấn đề giấc ngủ cho phụ nữ đang mang thai gặp một số khó khăn do họ phải tránh sử dụng một số loại thuốc. Hầu hết các loại thuốc dùng để điều trị chứng mất ngủ (insomnia) đều được khuyến cáo không sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Tuy nhiên, nếu cố gắng tuân theo các hướng dẫn để cải thiện giấc ngủ, phụ nữ mang thai có thể hạn chế tối đa chứng mất ngủ này.
Các loại thuốc dùng để điều trị hội chứng RLS cũng gây nguy hiểm cho thai nhi. Phụ nữ có nguy cơ bị chứng RLS cao nhất trong hời kỳ mang thai là những người có mức folate và iron (chất sắt) trong máu thấp. Để khắc phục điều này, phụ nữ cần bổ sung nhiều folate và sắt không chỉ trong thời kỳ mang thai mà ngay cả trước khi mang thai. Cần lưu ý rằng folate được cơ thể hấp thu tốt hơn trong thực phẩm (như ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì) hơn là bổ sụng dạng viên. Cà phê làm giảm hấp thu và vitamin C làm tăng khả năng hấp thu folate từ thực phẩm.
Những người phụ nữ mang thai nếu bị thừa cân kết hợp với việc thường xuyên ngủ ngáy nên xem xét mức độ và nguy cơ bị hội chứng ngưng thở khi ngủ. CPAP (Continuous positive airway pressure) là cách an toàn và hiệu quả cho những người bị chứng ngưng thở khi ngủ trong khi đang mang thai.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể được điều trị bằng các thuốc kháng acid bán tự do.
Chứng đi tiểu nhiều lần vào ban đêm khi mang thai không có cách điều trị hiệu quả thống qua hoá chất hoặc tác động bên ngoài. Tuy nhiên bạn có thể hạn chế hội chứng này bằng cách thực hiện những lời khuyên bên dưới.
Tin vui là hầu hết các vấn đề về giấc ngủ liệt kê ở trên đều có thể biến mất sau khi sinh em bé. Tuy nhiên bạn cũng nên theo dõi kỹ giấc ngủ của mình để tránh các vấn đề mới phát sinh thêm sau khi sinh.
Ngủ ngon trong thời kỳ mang thai là một thách thức lớn. Hãy tham khảo một số lời khuyên để giảm tối đa các vấn đề liên quan đến giấc ngủ:
- Lập kế hoạch hàng ngày hợp lý, ưu tiên hàng đầu cho giấc ngủ
- Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày trừ khi bác sĩ chỉ định cho riêng bạn tạm thời không nên tập thể dục vì một lý do khách quan nào đó
- Khi ngủ nên nằm nghiêng người, ưu tiên nghiêng bên trái để làm tăng khả năng lưu thông máu và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Tránh nằm ở tư thế nằm ngửa trong một thời gian dài
- Uống nhiều nước trong ngày nhưng cần hạn chế uống nhiều nước trong vòng 2 giờ trước khi ngủ
- Để tránh chứng ợ nóng, không nên ăn nhiều thực phẩm chua, cay hoặc đồ chiên xào. Ngoài ra, ăn những bữa ăn nhỏ thường xuyên trong ngày.
- Hiện tượng ngáy ngủ khá phổ biến đối với phụ nữ mang thai, tuy nhiên nếu phát hiện thấy dấu hiệu ngưng thở khi ngủ, bạn nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn chi tiết cách xử trí
- Nếu thấy gia tăng hội chứng RLS, hãy cân nhắc bổ sung thêm sắt và folate
- Nếu bạn cảm thấy khó ngủ quá, đừng cố gắng nằm mãi trên giường cho đến khi ngủ. Hãy rời khỏi giường đọc một cuốn sách, cuốn tạp chí hay đan móc đồ cho bé, khi cảm thấy buồn ngủ hãy nhanh chóng lên giường.
- Giảm thời gian của giấc ngủ trưa để tránh khó ngủ vào ban đêm
Tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ đã tiến hành khảo sát về giấc ngủ của phụ nữ. 78% phụ nữ cho biết trong thời kỳ mang thai họ bị thức giấc nửa đêm nhiều hơn những thời kỳ khác. 15 % phụ nữ có diễn biến gia tăng hội chứng RLS vào 3 tháng cuối thai kỳ. Khảo sát cũng chỉ ra rằng 51% phụ nữ mang thai có ít nhất một giấc ngủ trưa trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 6). 60% phụ nữ phản ánh rằng có ít nhất một giấc ngủ trưa vào cuối tuần.
|