Kiểu giấc ngủ “cú đêm” hay “chim vành khuyên”

Tóm tắt nội dung

Để có một giấc ngủ sâu đảm bảo cho trí não được “thư giãn” tốt nhất ngoài việc ngủ đủ giờ cần chọn thời điểm đi ngủ phù hợp với hoàn cảnh và đặc điểm sinh lý cơ thể của mỗi người. Những người thuộc nhóm “cú đêm” là những người thức khuya dậy muộn, đối lập với “chim vành khuyên”, những người ngủ sớm dậy sớm. Thói quen của bạn như thế nào và đâu là sự lựa chọn tốt nhất?

Nhiều người lựa chọn cách thức khuya vào buổi tối và ngủ bù vào sáng hôm sau hơn là ngủ sớm dậy sớm. Không có bất cứ một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ cách làm này sai và không hiệu quả, nhưng điều đó không có nghĩa đây là thói quen tốt đối với tất cả mọi người. Những nội dung bên dưới sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều này.
Các giai đoạn của giấc ngủ
Quảng cáo
1Ngủ theo kiểu “cú đêm”

Nhóm “cú đêm” bao gồm những người thích thức khuya và dậy trễ, họ không nghĩ rằng mình có thể làm việc hiệu quả trước 9 giờ sáng. “Cú đêm” tỉnh táo nhất vào khoảng 6-11 giờ tối. Vào khoảng thời gian này họ có được sự tập trung cao độ để giải quyết mọi vấn đề. Để thức dậy vào mỗi buổi sáng, họ luôn luôn cần đến đồng hồ báo thức được thiết lập lặp lại chuông báo sau vài phút, đây là khoảng thời gian họ cảm thấy uể oải nhất.

Những người thuộc nhóm này thường ưa thích bữa tối và họ uống nhiều cà phê để giữ đầu óc tỉnh táo vào ban ngày

2Ngủ theo kiểu “chim vành khuyên”

Đối lập với “cú đêm”, những người thuộc nhóm “chim vành khuyên” đặc biệt ưa thích khoảng thời gian từ 5 đến 7 giờ sáng, đây là lúc đầu óc họ tràn đầy hưng phấn và sự sáng tạo. Nhìn chung, “chim vành khuyên” có thể tỉnh táo làm việc từ sáng sớm đến trước giờ nghỉ trưa. Đồng hồ báo thức là không cần thiết bởi họ luôn thức dậy trước khi chuông báo thức reo.

Những người thuộc nhóm này ưa thích ăn sáng hơn các bữa khác trong ngày đồng thời họ ít sử dụng cà phê hơn những người khác. Sự uể oải tăng dần vào đầu buổi tối, phần lớn họ đi ngủ (hoặc muốn đi ngủ lúc 9 giờ tối).

3Nên lựa chọn kiểu “cú đêm” hay “chim vành khuyên”

Thoạt nhìn thì kiểu giấc ngủ “chim vành khuyên” có vẻ tốt hơn nhưng điều này chưa hẳn đúng bởi vì thể trạng và chu kỳ sinh học của mọi người không giống nhau. Ngoài ra, thời gian ngủ còn phụ thuộc vào những người xung quanh bạn. Ví dụ: bạn muốn đi ngủ lúc 9 giờ tối nhưng mọi người trong gia đình và cả hàng xóm của bạn thích xem TV hay nghe nhạc sàn vào giờ này thì ngủ sớm quả thực là phương án không mấy khả thi.

Điểm cốt yếu nhất là thời gian ngủ tốt nhất phụ thuộc vào chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của bạn, vì vậy để lựa chọn kiểu giấc ngủ phù hợp cần biết “lắng nghe” cơ thể mình.

4Cơ thể của bạn “ưa thích” kiểu giấc ngủ nào?

Để xác định kiểu giấc ngủ tự nhiên của cơ thể, bạn hãy thử đi ngủ vào các thời điểm khác nhau, dự kiến tổng thời gian ngủ và đặt đồng hồ báo thức trễ hơn một chút. Nếu như buổi sáng bạn tự tỉnh dậy trước khi đồng hồ báo thức reo, khi đã ngủ đủ giấc với một thể trạng khoẻ khoắn thì bạn đã làm đúng như kiểu mà cơ thể mình ưa thích. Hãy ghi lại chính xác thời gian bạn đi ngủ và thời gian thức dậy, đồng thời theo dõi xem ban ngày bạn thể trạng của bạn như thế nào vào mỗi khoảng thời gian. Để có thể thực hiện việc này, bên dưới là một số đề xuất cho bạn:

  • Ngủ trong một căn phòng yên tĩnh, đặc biệt tránh những tiếng ồn nhân tạo phát ra từ TV, loa công suất lớn,…
  • Trong thời gian thử nghiệm, không sử dụng các thiết bị công nghệ như smartphone, TV,… 2 giờ trước khi ngủ.
  • Phòng ngủ không quá sáng.
  • Không cà phê hay ăn những thực phẩm có nhiều đường vào buổi tối
  • Đi bộ hoặc vận động nhẹ vào buổi tối.

Sau khi đã xác định được giấc ngủ tự nhiên, bạn có thể so sánh với các đặc điểm ở mục (1) và (2) để xác định giấc ngủ của mình thuộc kiểu nào. Mục đích của bài viết này là giúp bạn hiểu rõ hơn về kiểu giấc ngủ của mình và kiểu giấc ngủ của “trường phái đối lập”, bạn ngủ theo kiểu nào không quan trọng, điều thực sự quan trọng là bạn đi ngủ và thức dậy đúng như chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của mình

Tóm tắt nội dung
Quảng cáo