Bạn đang nỗ lực duy trì một chế độ ăn kiêng hợp lý, mỗi khi thức khuya, cảm giác thèm ăn ào ạt ùa đến khiến bạn bất chấp tất cả để tấn công tủ lạnh nhà mình. Mời bạn đón đọc bài viết để tìm hiểu rõ hơn về cơ sở tâm lý học của cảm giác thèm ăn, từ đó có biện pháp phù hợp để duy trì đều đặn chế độ ăn kiêng của mình.
Thèm ăn là mong muốn được ăn uống, có thể do cơ thể đang đói hoặc trong một số tình huống thèm ăn xảy đến ngay cả khi đã ăn no. Việc ăn đồ ăn có thể kích thích tạo cảm giác thèm ăn ngay cả khi cơ thể bạn không đói.
Đối với các loại sinh vật bậc cao nói chung, thèm ăn là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi đang đói, là tính hiệu yêu cầu bổ sung thức ăn để chống lại sự thiếu hụt chất dinh dưỡng nhằm đảm bảo cho sự sinh tồn của cơ thể.
Sự thèm ăn có thể chia thành 2 dạng: thèm ăn do đói và thèm ăn tâm lý. Đối với dạng thứ nhất, đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên và có thể được khắc phục bằng cách duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và vận động hợp lý. Đối với dạng thứ hai, có thể xem là dạng thèm ăn quá khích dẫn tới lượng việc ăn nhiều hơn mức cơ thể yêu cầu, kết hợp với việc lười vận động, đây là nguyên nhân chính dẫn tới thừa cân và béo phì.
Trường hợp ngoại lệ, đối với một số người, mặc dù đã ăn no và cố gắng ngừng ăn nhưng vẫn không thể nào kiềm chế được cảm giác thèm ăn. Đây là dấu hiệu của bệnh lý. Trong tình huống này, việc cần thiết phải làm là tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả. Tin vui là số lượng người mắc bệnh lý này không nhiều, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thèm ăn và ăn quá nhiều vẫn là do ý chí của bạn.
Hãy tưởng tượng bạn có trọng lượng 80kg và mong muốn giảm xuống còn 60kg, bạn sẽ làm gì? Hầu hết câu trả lời mà mọi người nghĩ đến là ăn kiêng và tập thể dục. Hiều một cách tổng thể thì điều này là đúng, tuy nhiên hãy tìm hiểu rõ hơn một chút xem quá trình giảm cân trong cơ thể sẽ xảy ra như thế nào.
Cơ thể con người là một dạng sống, điều đó là hiển nhiên. Mỗi một mô hay tế bào trong cơ thể cần năng lượng để duy trì hoạt động. Khi thiếu dinh dưỡng, mô/tế bào sẽ hoạt động yếu đi thậm chí là chết đi. Ngược lại khi dư dinh dưỡng và năng lượng, mô/tế bào sẽ phát triển quá nhanh và tích trữ nhiều mỡ, mỡ được chuyển hoá từ phần năng lượng dư thừa. Khi bạn vận động, năng lượng sẽ bị tiêu hao, nếu lượng thức ăn nạp vào trong cơ thể không đủ đáp ứng cho hoạt động của các tế bào thì phần mỡ dư thừa sẽ được sử dụng để chuyển hoá ngược lại thành năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể.
Trở lại với ví dụ nêu trên, số kg cần giảm là 20. Để làm được điều này có 3 cách. Một là duy trì chế độ ăn như hiện tại và tập thể dục nhiều hơn, do lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể không thay đổi nên năng lượng dùng cho vận động sẽ được lấy ra từ lượng mỡ dư thừa trong cơ thể, theo thời gian lượng mỡ thừa sẽ được chuyển hoá dần thành năng lượng dẫn tới trọng lượng cơ thể bạn sẽ giảm xuống. Cách thứ hai là ăn ít hơn, đây là phương án mạo hiểm, sự mạo hiểm thể hiện ở 2 chỗ: một là khi bạn ăn ít hơn, ngoài việc giảm năng lượng nạp vào cơ thể, bạn cũng vô tình giảm vitamin và các khoáng chất tối thiểu cần thiết, dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch, bạn dễ mắc các căn bệnh khác. Cách thứ 3, đó là kết hợp cả 2 cách trên một cách hợp lý. Bạn ăn ít hơn (ăn kiêng) nhưng phải đảm bảo cân bằng mức dinh dưỡng tối thiểu cho cơ thể, không được thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển khoẻ mạnh của các tế bào, đồng thời tích cực hơn nữa trong việc tập thể dục, bạn không nhất thiết phải vận động nặng như nâng tạ quá sức, chạy bộ quá lâu, điều quan trọng là duy trì tập luyện đều đặn và vận động vừa sức.
Yếu tố tâm lý, ý chí của bạn là chìa khoá quan trọng giúp bạn duy trì chế độ ăn kiêng và tập luyện của mình. Vậy thì thực chất ý chí là gì?
Ý chí một dạng năng lực của cơ thể, biểu hiện qua năng lực kiềm chế hay thực hiện những hành động có mục đích, đòi hỏi sự nổ lực khắc phục khó khăn.
Bởi vì ý chí là một dạng năng lực, đòi hỏi có năng lượng để duy trì, mà năng lượng của cơ thể thì mạnh mẽ vào buổi sáng và suy yếu dần vào ban đêm khi cơ thể “kiệt sức”. Cả ngày dài, chúng ta đối mặt với nhiều cám dỗ khác nhau và cố gắng hết sức để chế ngự chúng. Chúng ta đã cố gắng kiểm soát chính mình và những cám dỗ xung quanh để trở nên có trách nhiệm hơn, ví dụ như ngăn cản bản thân đi shoping, trì hoãn công việc, trì hoãn việc xem một video ca nhạc mới trên youtube, hay hạn chế truy cập facebook.
Ý chí, khả năng kiềm chế của cơ thể cũng giống như cơ bắp vậy, càng sử dụng nhiều, chúng càng mỏi. Đến một lúc nào đó, thường là ban đêm, ý chí của chúng ta trở nên quá yếu đuối và không thể ngăn cản bản thân rơi vào cám giỗ nữa. Đây cũng chính là lý do mà những ngành dịch vụ đầy cám dỗ như quán bar, quán nhậu,… mở cửa chủ yếu vào buổi tối. Sau những nỗ lực kiểm soát bản thân suốt cả ngày, chúng ta kiệt sức, những dịch vụ này thu về bộn tiền nhờ vào sự thất bại trong ý chí của chúng ta.
Khi bạn thức khuya, ý chí suy kiệt, đúng lúc cơ thể bắt đầu có cảm giác đói, cơn thèm ăn ào ạo ùa đến khiến bạn khó lòng cưỡng lại. Kết quả là bạn bỏ mặc chế độ ăn kiêng của mình để nạp thêm chiếc bánh ngọt hấp dẫn vào cơ thể mình.
Hãy tưởng tượng bạn bắt đầu cuộc hành trình vượt qua sa mạc. Tại thời điểm bắt đầu, bạn khẳng định sự quyết tâm của mình, trong suốt buổi sáng, dù mỏi chân nhưng bạn vẫn hào hứng bước đi, thế nhưng qua một buổi trưa, đến chiều, mồ hôi chảy ròng khiến bạn quên sạch sự quyết tâm lúc sáng của mình, vì vậy bạn mong muốn và tìm ngay một chỗ dừng chân.
Bạn đã từng đọc câu chuyện về Odysseus và Mỹ Nhân Ngư chưa? Đó là một ví dụ tuyệt vời cho phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả giúp kiềm chế bản thân trước những cám dỗ. Trong câu chuyện này, Odysseus đã rất sáng suốt khi yêu cầu các thuỷ thủ trói chặt anh ta vào cột buồm và không được cởi trói trong bất kỳ tình huống nào cho tới khi họ đã qua được cám Mỹ Nhân Ngư. Bằng cách này, Odysseus sẽ không có sự lựa chọn, anh ta không thẻ chạy theo sự cám dỗ, nhảy xuống biển và bơi theo tiếng gọi đầy mê hoặc của đám mỹ nhân ngư.
Để kiềm chế cơn thèm ăn, thậm chí là ngăn chặn cảm giác thèm ăn bùng phát, bạn hãy học hỏi chiến thuật đầy táo bạo của anh chàng Odysseus kia. Đừng để bất kỳ thứ đồ ăn nhanh đầy cám dỗ nào trong nhà bạn. Bạn có thể rèn luyện ý chí của mình bằng cách chỉ mua một miếng bánh nhở để trong tủ lạnh, ngày ăn một ít và quyết tâm không ăn về đêm. Nhưng thực tế, kiềm chế một chiếc bánh ngọt bày ra trước mắt đúng lúc bạn đang đói là điều không chút dễ dàng, vì thế cách làm an toàn hơn là nhận ra sự kiệt sức của ý chí và nhận ra chúng ta dễ dàng bỏ cuộc như thế nào, đặc biệt là vào khoảng thời gian cuối ngày, đừng bỏ bất kỳ chiếc bánh ngọt nào vào tủ lạnh.
Giảm cân, ăn kiêng đòi hỏi một sự nỗ lực phi thường. Suy cho cùng dù là cách làm nào đi chăng nữa thì cơ thể bạn khó có thể kiềm chế ăn một cái bánh ngọt bày ra trước mắt đặc biệt lúc đang đói. Vì thế hãy chủ động tránh xa chúng. Bạn không thể nào trở nên xinh đẹp và tốt tính nếu ở trong một môi trường đầy rẫy cám dỗ.
|