Khi ai đó nhờ bạn giúp đỡ một việc gì và cần làm ngay tại thời điểm ấy, bạn dễ dàng đưa ra quyết định giúp đỡ hay khéo léo từ chối vì bạn có việc khác cần được ưu tiên giải quyết trước. Tuy nhiên nếu bạn được nhờ vả giúp đỡ vào tuần tới hoặc tháng tới, quyết định đưa ra sẽ khó khăn hơn nhiều.
Hàng ngày, người thân, bạn bè hay đồng nghiệp của bạn sẽ nhờ bạn làm điều gì đó giúp đỡ họ. Thêm vào đó, yêu cầu này thường rơi vào một thời điểm trong tương lai như tuần tới, tháng tới hay vài năm nữa. Bạn xem lịch trình của mình và thấy kế hoạch đang trống không, khi ấy bạn sẽ nghĩ gì? Bạn có thể thầm nghĩ rằng thời gian tới mình hầu như rảnh rỗi không vướng bận chuyện gì cả, vậy thì sao có thể từ chối giúp đỡ được chứ.
Thực tế, bạn đã nhầm! Không ai có thể đoán trước được việc gì. Mọi việc như tưởng chừng đơn giản như đi khám sức khoẻ, đi thăm người thân hay đi công tác đột xuất có thể sẽ yêu cầu bạn bổ sung thêm nhiều chi tiết vào lịch trình của mình. Thậm chí bạn phải ghi kính lịch trình của mình, ví dụ như khi đi khám, bác sĩ yêu cầu bạn nên tái khám sau 5 ngày hay người thân có việc nên sẽ hẹn lại bạn vào một dịp khác.
Nếu hứa hẹn trước, khi tới ngày hẹn bạn có thể có cả núi việc cần ưu tiên giải quyết. Khi ấy, rất có thể bạn sẽ ước rằng giá như ngày trước mình không hứa hẹn “Được, tôi nhất định sẽ giúp.”
Trước hết, mỗi khi ai đó nhờ vả bạn giúp đỡ một điều gì, hãy tự hỏi xem nếu thời hạn là trong tuần tới, bạn sẽ làm gì? Bằng cách này, bạn sẽ phán xét được mức độ ưu tiên của công việc được nhờ so với những công việc khác của bạn. Trong tình huống giả định này, nếu bạn cảm thấy có thể loại bỏ bớt một vài việc riêng để giúp đỡ thì hãy đồng ý. Nhưng nếu bạn không thể ưu tiên yêu cầu đó hơn bất cứ công việc nào của bạn trong tuần tới thì hãy thẳng thắn từ chối nó.
Thứ hai, khi được nhờ vả, hãy tưởng tượng rằng bạn đang kiểm tra lịch để xem liệu bạn có thể giúp đỡ được hay không và nhận thấy lịch trình của mình đã kín mít và có thứ tự ưu tiên rõ ràng đến mức không thể thay đổi được việc gì. Tuy nhiên ngay lúc đó, bạn cảm thấy buồn và tiếc nuối nếu phải từ chối. Khi đó bạn nên nhận lời. Ngược lại, nếu cảm thấy nhẹ nhõm vì lịch trình kín mít và không thể giúp đỡ, bạn hãy thẳng thắn từ chối.
Cuối cùng, hãy tưởng tượng rằng bạn chấp nhận yêu cầu, sau đó yêu cầu bị huỷ bỏ. Nếu bạn cảm thấy vui mừng, vậy thì bạn đã có câu trả lời của mình rồi.
Giúp đỡ mọi người là hành động tốt đẹp, tuy nhiên cần xem xét tình huống cụ thể để đưa ra quyết định hợp lý. Nếu bạn quá bận rộn và không cảm thấy vui vẻ khi giúp đỡ ai làm một điều gì đó, hãy tưởng tượng khi bạn hành động một cách gượng ép, đối phương không khó để nhận ra thái độ của bạn, hành động giúp đỡ của bạn có thể đem lại niềm vui cho cả hai bên. Nhưng cũng có khả năng làm xấu đi mối quan hệ nếu bạn không có kế hoạch rõ ràng cùng một quyết định hợp lý ngay từ ban đầu.
|