Uống nước đúng cách để tốt cho sức khoẻ


Cách uống nước hợp lý

Uống nước là thói quen hàng ngày của mỗi người nhưng không phải ai cũng biết cách uống nước hợp lý. Uống nước ấm, uống từ từ và uống trước bữa ăn là những nguyên tắc cơ bản để tốt cho sức khoẻ.

Quảng cáo
Thông thường mọi người thường nói uống nhiều nước là tốt. Bác sĩ khuyên như vậy, huấn luyện viên gym khuyên như vậy, đây là lời khuyên mà nhiều người tin tưởng nhưng sau đó không áp dụng mỗi ngày. Mọi người dễ quên và khó thực hiện nếu như không có phương pháp rõ ràng. Bài viết bên dưới đưa ra một chỉ dẫn cụ thể giúp bạn hiểu rõ hơn cách uống nước hợp lý.
Tổng quan về nước đối với cơ thể
  • 70% khối lượng cơ thể bạn là nước.
  • Nước có ở cả bên trong lẫn bên ngoài các tế bào của cơ thể, giúp hoà tan các chất dinh dưỡng, chất thải. Nước là môi trường truyền dẫn các tính hiệu não, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và bôi trơn các bộ phận chuyển động. Cơ thể bạn cần có đủ nước để hoạt động tốt.
  • Hàng ngày, cơ thể bạn sẽ mất rất nhiều nước thông qua hơi thở, nước tiểu, chất thải và mồ hôi ngay cả khi bạn ít vận động.
  • Sự lựa chọn tốt nhất là bổ sung cho cơ thể một lượng nước dồi dào.
Các dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu nước
  • Cảm thấy khát nước, đây là dấu hiệu đầu tiên của việc cơ thể thiếu nước. Nếu không đáp ứng đủ lượng nước trong nhiều ngày thì sẽ có những biểu hiện bên dưới.
  • Khô môi, mắt và tóc kể cả mùa xuân lẫn mùa hè.
  • Khô da, bong tróc da.
  • Ít đi tiểu, nước tiểu màu vàng sẫm thay vì màu vàng sáng.
  • Táo bón, rụng tóc, ho khan, viêm phế quản.
  • Lỗ chân lông bị tắc dẫn tới mụn trứng cá.
Trường hợp thiếu trầm trọng sẽ dẫn tới huyết áp giảm, tim đập nhanh, miệng, da và niêm mạc bị khô, không đổ mồ hôi, mắt sưng, rất khát nước, chóng mặt, cơ thể uể oải.
Những nguyên tắc cần ghi nhớ khi uống nước, cách uống nước hợp lý
1. Uống lượng nước phù hợp với cơ thể của mỗi người
Không có một quy chuẩn nào quy định chính xác lượng nước bạn cần uống mỗi ngày. Việc uống bao nhiêu nước cần dựa trên nhu cầu cơ thể của bạn, ngoài ra còn phụ thuộc vào các hoạt động hàng ngày nhiều hay ít. Mức trung bình để tham khảo là 1,5 – 2,5 lít nước mỗi ngày.
2. Hạn chế uống nước lạnh
Nước lạnh làm giảm nhiệt độ dạ dày và ruột, kìm hãm hoạt động của các enzim tiêu hoá, do đó thức ăn sẽ tiêu hoá chậm hơn, dẫn tới đầy bụng, khó tiêu. Đồng thời, mạch máu ở hệ tiêu hoá co thắt sẽ cản trở việc lưu thông máu và các chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể. Uống một ly nước ấm sẽ giúp cơ thể nói chung và hệ tiêu hoá nói riêng hoạt động trơn tru hơn.
3. Thêm một số chất tự nhiên giúp phát huy tối đa tác dụng của nước
Để nước uống có tác dụng giải khát tốt, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, bạn có thể thêm vào một vài lát gừng, pha chế nước chanh hay sử dụng nước khoáng lạt (nước chứa muối khoáng có ích cho cơ thể)
4. Uống một ly nước ấm vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Khi ngủ, hệ bài tiết của cơ thể vẫn âm thầm hoạt động, đặc biệt tuyến mồ hôi vẫn không ngừng thoát hơi nước. Đây là lý do tại sao bạn thường phải sử dụng xà phòng tắm hay sữa rửa mặt vào buổi sáng. Sau một đêm dài nghỉ ngơi, nhiệt độ cơ thể bạn giảm, khi ấy, nhanh chóng uống một ly nước ấm sẽ giúp tăng nhiệt độ dạ dày, khởi động cho quá trình tăng nhiệt độ của cơ thể.
5. Uống nước từ từ, nhiều đợt thay vì uống nhiều nước một lúc
Việc chờ đến khi thật khát rồi uống liền mấy ly nước là một thói quen có hại cho thận, bởi vì uống nhiều nước một lúc khiến thận bị quá tải, làm suy giảm chức năng của thận, ngoài ra còn gây rối loạn chất điện giải trong máu. Ngoài ra còn gây hại cho hệ tim mạch như làm tăng huyết áp.
6. Uống nước trước bữa ăn
Trong bữa ăn và sau bữa ăn, dạ dày phải làm việc “cật lực” để nhào nặn và tiêu hoá thức ăn. Kích thước dạ dày khá nhỏ vì thế nếu uống nước khi dạ dày trong dạ dày đang chứa nhiều thức ăn sẽ khiến việc tiêu hoá thức ăn trở nên khó khăn hơn, thay vào đó, uống nước trước bữa ăn ít nhất 20 phút sẽ tốt hơn cho dạ dày của bạn.
Xuân Đức
Quảng cáo