Sống lâu, sống khoẻ là điều mà ai cũng muốn, song thực hiện mong muốn này không phải là điều dễ dàng. Muốn sống lâu, sống khoẻ cần hiểu rõ và xây dựng những nguyên tắc cơ bản cũng như những thói quen tốt sức khoẻ. Bằng cách tìm hiểu các nghiên cứu khoa học về quá trình lão hoá, các nguyên nhân dẫn đến lão hoá nhanh, từ đó xây dựng và duy trì những thói quen tốt, bạn có thể sống thọ thêm vài năm, thậm chí vài chục năm so với mức tuổi thọ trung bình của con người hiện nay.
- Từ 20 đến 30 tuổi: Ở độ tuổi này, cơ thể con người phát triển mạnh mẽ và đạt đến mức độ tối đa. Sự trao đổi chất và chức năng sinh học của cơ thể hoạt động mạnh nhất. Ở đàn ông, cơ thể tiết ra nhiều hormone testosterone trong độ tuổi từ 16-25 tuổi, sau đó giảm dần. Từ năm 25-30 tuổi, não bắt đầu suy giảm về chất lượng cũng như co lại dần với tốc độ 2% mỗi 10 năm, đồng thời sau 25 tuỏi, sức mạnh cơ bắp bắt đầu suy giảm tuy nhiên ở mức độ mà con người khó nhận thấy.
- Từ 30 đến 40 tuổi: Các dấu hiệu của tuổi già bắt đầu xuất hiện rõ và có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. Cụ thể, da bắt đầu phân mảnh và xuất hiện những nếp nhăn trên khuôn mặt cũng như khắp cơ thể. Sau 37 tuổi, chức năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm. Đối với đàn ông, chứng hói đầu bắt đầu phát triển nếu có di truyền.
- Từ 40 đến 50 tuổi: Sự trao đổi chất chậm dần và ở nhiều người, các triệu chứng béo phì biểu hiện ngày càng rõ rệt như vòng eo, bắp đùi nở ra. Nếu không thường xuyên tập thể dụng, khả năng hoạt động của phổi và tim giảm đi đáng kể, theo phân tích của các chuyên gia, thông thường tỉ lệ này giảm đến 10%.
- Từ 50 đến 60 tuổi: Ở phụ nữ, hàm lượng oestrogen giảm hẳn và thời kỳ mãn kinh bắt đầu. Theo thống kê, phụ nữ ở độ tuổi này có nguy cơ mắc chứng loãng xương vào khoảng 20% do thiếu calcium. Đối với đàn ông, cơ bắp bắt đầu teo dần, da chùng lại và dần mất sức lao động.
- Từ 60 tuổi trở đi: Ở độ tuổi này, chứng mất ngủ thường xuyên xuất hiện, hệ thống miễn dịch suy yếu đáng kể đặc biệt đối với những người ít tập luyện thể dục như đi bộ. Sau 65 tuổi, hội chứng alzheimer có nguy cơ xuất hiện, đồng thời da mặt mất khả năng đàn hồi, tạo ra những chỗ trũng trên khuôn mặt và cổ.
Lão hoá nói chung là một quá trình tự nhiên, tuy nhiên có một số tác nhân chủ quan hoặc khách quan từ môi trường bên ngoài cũng góp phần thúc đẩy tiến trình lão hoá tiến triển nhanh hơn. Bên dưới là một số nhân tố chính:
- Lười tập thể dục: Trong xã hội ngày nay, cuộc sống bận rộn khiến con người ít quan tâm hơn tới sức khoẻ của mình. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện giao thông cũng đem lại nhiều mặt trái, trong đó có việc khiến cho con người trở nên lười vận động hơn. Theo các nghiên cứu mới nhất, con người cần tập thể dục ít nhất 30 phút và đi bộ nhiều hơn 5km mỗi ngày. Việc lười vận động khiến hệ tim, cơ hoạt động không ổn định, hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả, kết quả là cơ thể dễ dàng bị tấn công bởi bệnh tật, khi ấy, giảm thọ là điều tất yếu.
- Ăn uống không hợp lý: Ăn uống thiếu dưỡng chất khiến cơ thể không đủ chất dinh dưỡng để phát triển, dẫn đến cơ thể yếu ớt, sức đề kháng kém. Không những thế, việc ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khiến cho cơ thể bị trúng độc. Mặt khác, việc ăn quá nhiều một số món ăn gây thừa chất, ví dụ như thừa chất béo gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch và gây béo phì.
- Tiếp xúc với môi trường độc hại: Khoa học phát triển, việc phát minh ra các chất hoá học mới một phần giúp khắc phục các khó khăn của con người, mặt khác, các hoá chất vô cơ tổng hợp do con người tạo ra lại khó phân huỷ, đặc biệt khi tích trữ bên trong cơ thể dần dần sẽ có nguy cơ phát triển bệnh ung thư.
- Thường xuyên bị stress: Ngoài yếu tố về thể chất, yếu tố tinh thần cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ của con người. Trong cuộc sống ngày nay, nếu không phân tách rõ ràng giữa công việc với việc nghỉ ngơi và thư giãn, con người sẽ dễ dàng bị căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, hệ miễn dịch.
- Thiếu ngủ: Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thọ. Việc thức quá khuya phá vỡ chu kỳ sinh lý tự nhiên của con người, cùng với đó, việc thường xuyên sử dụng các thiết bị di động trước khi ngủ gây ảnh hưởng xấu đến thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ. Thiếu ngủ khiến cơ thể nói chung và bộ não nói riêng không được nghỉ ngơi đầy đủ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy sự trường thọ phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền, tuy nhiên cũng có một số biện pháp được khoa học chứng minh giúp con người sống khoẻ và sống lâu.
- Tập thể dục: Tập thể dục là một thói quen rất hữu ích, vận động thường xuyên không chỉ giúp duy trì sự linh hoạt của cơ bắp, sự đàn hồi và sự cân bằng của các khớp xương mà còn giữ cho trí não luôn minh mẫn và hệ tim mạch luôn khoẻ mạnh.
- Giảm stress: Các cụ ngày xưa sống cuộc sống tích cực, hoà đồng với thái độ ung dung thoải mái dẫn đến hệ thần kinh làm việc hiệu quả, một trí não khoẻ mạnh là nhân tố tích cực giúp cho cơ thể khoẻ mạnh và phòng ngừa bệnh tật.
- Thời gian mang thai: Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, phụ nữ mang thai lần đầu trong độ tuổi 30-40 có xu hướng sống thọ hơn.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ bao nhiêu thời gian hợp lý phụ thuộc vào đặc điểm cơ thể của mỗi người, tuy nhiên trung bình mỗi người nên ngủ khoảng 8 tiếng. Ngủ dưới 7 tiếng/ngày hoặc trên 9 tiếng/ngày đều có nguy cơ tử vong cao hơn.
- Chất lượng bữa ăn: Trong bữa ăn hàng ngày nên ăn nhiều rau, củ, quả ít qua chế biến, ngũ cốc dạng hạt như đậu hà lan, uống sữa và ăn sữa chua thường xuyên để tăng cường miễn dịch, bổ sung canxi và đảm bảo cho hệ tiêu hoá được khoẻ mạnh. Nên uống đủ 1,5-2,5 lít nước mỗi ngày và dùng dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật. Ngoài ra, có thể dùng trà xanh làm nước giải khát hàng ngày.